Quá trình phát triển Sâm Lai Châu

Khi loạt bài “Sâm trên lãnh thổ Việt Nam” bắt đầu đăng tải, Tiến sĩ Dương Đình Đức – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu – cho tôi biết: Mường Tè đã trồng Sâm. Sâm được ươm mầm ở triền non khó khăn bậc nhất Việt Nam ra sao? Từ năm 2014 đến 2017, đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển loài Sâm Lai Châu, Tam thất hoang ở các xã vùng cao huyện Mường Tè”.” đã được thực hiện, do ThS Lâm sinh Phạm Quang Tuyến – Viện Nghiên cứu Lâm sinh và các cộng sự thực hiện. Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var fuscidiscus), Tam thất hoang (Panax stipuleanatus), thuộc chi Nhân sâm (Panax L.), họ Ngũ gia bì (Araliaceae). 2 loài sâm này đều có chứa các hợp chất saponin tự nhiên có cấu tạo phân tử khá phức tạp và độc đáo, có hoạt tính tốt, có tác dụng tăng cường thể lực. Đây là những loài thân thảo, sống lâu năm, cao từ 45-80cm. Lá kép chân vịt. Lá chét từ 5 đến 7 lá, kích thước 6-12 x 2,5-6cm, đuôi nêm hoặc gần tròn, mép lá có răng cưa. Cụm hoa đơn độc, gồm 50-80 hoa, cuống hoa dài 8-10cm, ra hoa vào tháng 4-6, đậu quả vào tháng 7-10, tùy theo loài. Tuy nhiên, trong hai loài này, loài Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidiscus) có tên gọi khác là Tam thất đen, Tam thất đỏ, Tam thất Mường Tè có giá trị hơn cả so với loài Tam thất hoang (Panax stipuleanatus). Về mặt phân loại thực vật, Sâm Lai Châu đã được mô tả và phân tích DNA khẳng định là một thứ (giống) mới, cùng loài với Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.). Sâm Lai Châu có thành phần saponin chính là “MR2” đã công bố ở Sâm Ngọc Linh, có nhiều tiềm năng để phát triển gây trồng và chế biến thành hàng hóa có giá trị dược liệu cao, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe con người.

Mô hình trồng Sâm Lai Châu. Ảnh: Phạm Quang Tuyến.

Hiện nay, Sâm Lai Châu, Tam thất hoang bị người dân khai thác, sử dụng làm thuốc và bán sang Trung Quốc, đang bị đe doạ tuyệt chủng ở mức độ trầm trọng (Phan Kế Long và cộng sự, 2013; Phạm Quang Tuyến và cộng sự, 2017). Do vậy, để phát triển bền vững Sâm Lai Châu, Tam thất hoang thành một trong những loài cây tiềm năng, thế mạnh cho tỉnh Lai Châu vẫn gặp phải một số trở ngại cần giải quyết. Đây cũng là những thách thức đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đầu tư trồng cần quan tâm khi phát triển các loài cây này.

Với nhiều ưu thế về điều kiện tự nhiên và giá trị kinh tế, cây Sâm Lai Châu, Tam thất hoang được coi là một loài cây có giá trị, cần được sự quan tâm nghiên cứu để cung cấp nguồn dược liệu Sâm chất lượng cao cho ngành dược phẩm. Từ những vấn đề nêu trên, một lần nữa khẳng định, Sâm Lai Châu là cây tiềm năng, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào vùng cao, vùng biên giới.

Vườn ươm Sâm Lai Châu. Ảnh: Phạm Quang Tuyến.

Từ kết quả nghiên cứu khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu đã từng bước chuyển giao kỹ thuật trồng Sâm Lai Châu và Tam thất hoang tại huyện Mường Tè. Sâm Lai Châu, Tam thất hoang có thể trồng thâm canh với mật độ trồng phù hợp từ 100.000-160.000 cây/ha. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phòng hộ đầu nguồn, việc trồng Sâm Lai Châu và Tam thất hoang dưới tán rừng tự nhiên chỉ nên trồng với mật độ từ 10.000-40.000 cây/ha. Trong khi đó, hiện nay, nhu cầu để phát triển trồng cây Sâm Lai Châu, Tam thất hoang quá lớn. Viện nghiên cứu Lâm sinh, UBND huyện Mường Tè đã kiến nghị với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu đề nghị ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài vào trồng thử nghiệm mở rộng trên địa bàn huyện thông qua những kết quả chính của đề tài đã đạt được về nhân giống và kỹ thuật trồng cây Sâm Lai Châu. Tỉ lệ nhân giống bằng hạt đạt 70-80%, nhân giống bằng biện pháp giâm hom đầu thân rễ củ có thể đạt tỉ lệ ra chồi 90%. Kết quả này rất khả quan để đưa vào sản xuất thực tiễn. Việc trồng Sâm Lai Châu và Tam thất hoang cần chú ý chọn nơi đất tơi xốp, nhiều mùn, thoát nước ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển. Kỹ thuật trồng trong điều kiện tập trung có giàn che với tỉ lệ che sáng 70-80% và trồng dưới tán rừng với độ tán che 0,7-0,8. Các mô hình trồng cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt đạt tỉ lệ sống trên 85%. Và cây Sâm Lai Châu, Tam thất hoang không chỉ có ở các xã vùng cao huyện Mường Tè mà còn xuất hiện ở những huyện có độ cao, khí hậu và thổ nhưỡng tương tự như: Tam Đường, Sìn Hồ và Phong Thổ, cho nên việc triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng, nhân giống Sâm Lai Châu nhằm bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc hữu tại các huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu” sẽ giúp hoàn thiện thêm công nghệ để có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu về cây Sâm Lai Châu trong thực tế.

Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bai-cuoi-trong-sam-o-thuong-nguon-song-da-800782.ldo?gidzl=IScPHaw0GrL8rvj0Jvv1K4BNdaHIp1PK2esQ507C4bLPqvv3Niz115AEonC9m1820z-UGZ4-UUaZH8D2KG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *